Hà Nội có đêm Hà Nội, là đêm Hà Nội mùa thu ngào ngạt hương hoa sữa, đêm đông Hà Nội ngọt ngào khi cái gió như đùa như giỡn với áo khăn hay đêm Huế rất thơ, rất dịu hiền trầm lắng thì Hội An có những đêm đèn lồng phố cổ. Trong ánh sáng kỳ ảo của phố cổ đèn lồng mà nghe văng vẳng những điệu hát bài chòi, hò khoan, hò giã gạo… và ngắm những chiếc đèn lồng “có tuổi” đang được các gia đình sinh sống lâu đời ở đây gìn giữ và chỉ chưng ra trong đêm hội hoa đăng thì dường như con người ta thấy mình đã lạc về một miền cổ tích. Có thể nói đèn lồng là một trong những giá trị làm nên văn hóa Hội An đậm đà bản sắc, người ta sản xuất đèn lồng bằng cả niềm đam mê và sáng tạo của một tình yêu sâu sắc cho sản phẩm mang tầm văn hóa này. Mỗi chiếc đèn lồng là lời kể về một thời đô thị, thương cảng sầm uất, nơi giao thương và giao lưu với những người Hoa, người Nhật và cả người phương Tây đến từ hành trình trên những cung đường của con đường tơ lụa.
Khi bước chân vào khu phố cổ, du khách dường như để lại sau lưng tất cả và không gian, thời gian như lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. Chùa Cầu, dãy nhà cổ hai tầng quay lưng phía bến sông Hoài, Hội quán Quảng Ðông, Hội quán Phúc Kiến... đang lặng lẽ tồn tại để con người hoài niệm về một thời quá khứ. Những kiến trúc nhà của thế kỷ 17, 18 chiếm đa số nhà cửa ở đây vẫn được giữ nguyên với sắc màu, vật liệu truyền thống, trải theo chiều dài của những con đường nhỏ quanh co như dẫn ta về với những ngày xưa cũ. Nhà ở Hội An bởi thế rất khác, đó là những mái nhà một thời phố Hội, chỉ một hoặc hai tầng thâm thấp, mái ngói vươn ra mang màu thời gian như một lời thề hẹn âm thầm, như một nốt trầm trên cung đàn hiện đại. Nhà ở đây không rộng về chiều ngang mà chạy sâu vào trong với những cột gỗ mộc mạc và những gian ấm cúng; những ngưỡng cửa ngập ngừng, cũng màu gỗ thời gian, hứa hẹn dẫn vào không gian riêng cũ.
Điều thú vị là nơi đây, vốn một thời là thương cảng sầm uất, có sự giao lưu sâu sắc nền văn hóa Nhật Bản và Trung Hoa, nhưng những dấu tích văn hóa du nhập còn để lại không làm nhòa phai tinh thần dân tộc Việt của con người, mảnh đất mà chỉ điểm tô thêm nét duyên thầm. Những công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ … vẫn còn được bảo tồn và lưu giữ gần như nguyên trạng trong một quần thể di tích kiến trúc cổ làm cho nơi đây giống như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị một thời.
Năm 1999, đô thị cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Bởi nơi đây là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Hội An còn hấp dẫn người khách phương xa bởi một nền ẩm thực vô cùng đặc sắc. Đến Hội An du khách nên nếm thử món cơm gà độc đáo, món cơm mềm, dẻo được trộn với thịt gà xé thêm một chút rau răm và hành tây, mang hương vị rất riêng. Cao lầu là món mì đặc trưng, hết sức hấp dẫn ở Hội An, gồm có mì, thịt, hoành thánh chiên cùng một ít rau sống và giá đỗ, chan rất ít nước. Ngoài ra còn có nhiều món ăn dân dã hấp dẫn khác như bánh bèo, hến trộn xúc bánh tráng, bánh xèo, bánh tráng đập dập, bánh bao, bánh vạc... và đặc biệt là mì Quảng. Đúng như tên gọi, món mì này có nguồn gốc xuất phát từ Quảng Nam. Mì Quảng cũng như phở, bún đều được chế biến từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị rất riêng biệt. Đó là vẻ đẹp của ẩm thực Hội An, cũng nhẹ nhàng, tao nhã và hoài cổ như cảnh trí, con người nơi đây.
Những ai đã từng đến với Hội An đều mong muốn được hơn một lần ghé lại mảnh đất này, bởi trong quan niệm của nhiều người, nơi được chọn để du lịch “Không phải là những nơi có ánh đèn rực rỡ hay cuộc sống gấp gáp mà ở đó có thể tìm thấy sự nhẹ nhàng, thoải mái và thực sự thanh thản…”.
Đêm đèn lồng phố cổ Hội An thực sự là món quà vô giá mà mảnh đất, con người nơi đây đã có công gìn giữ, bảo tồn và ban tặng cho nhân loại hiện đại.