Các thành viên Hội Người Duy Xuyên tại Sài Gòn thường xuyên gặp mặt giao lưu
Vì mình là người “Quảng Nôm”
Ở Sài Gòn, sáng Chủ nhật muốn nghe giọng Quảng Nam, chỉ cần xẹt xe qua khu Bàu Cát, chọn đại một quán cà phê cóc để ngồi là thỏa ước nguyện. Dễ nhận ra người Quảng ở giọng nói từ những trận cãi nhau trong một chầu cà phê. Nhẹ thì nói qua nói lại, nặng thì đỏ mặt tía tai... Nhưng rồi đâu lại vào đấy, khi ra về thì hả hê tạm biệt, hẹn tuần sau cà phê cãi tiếp. “Rứa mà một tuần không gặp, không ngồi với nhau là thấy nhớ, không cãi là thấy thiếu thiếu y như ăn mì Quảng mà không có ớt xanh. Tụi mình từ quê vô đây, cái gì cũng thiếu trước hụt sau nhưng tình đồng hương thì không bao giờ thiếu. Hội Người Duy Xuyên được thành lập trên mạng cũng vì thế. Chỉ cần chia sẻ trạng thái của mình lên facebook (trang mạng xã hội hiện được các bạn trẻ ưa chuộng) là có bao nhiêu anh em đồng hương nhảy vô chia sẻ” - bạn Vũ, nick face Cục đất Art, thành viên Ban quản trị Hội Người Duy Xuyên tâm tình.
Được thành lập từ năm 2005, nhưng mãi đến năm 2010 Hội Người Duy Xuyên mới được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội facebook. Từ chỗ chỉ có vài trăm, sau 2 năm Hội Người Duy Xuyên đã có gần 7 nghìn thành viên trên khắp mọi miền đất nước đăng ký gia nhập. Như một nơi gắn kết để nguôi đi nỗi nhớ quê, trang mạng mở này chứa đựng tất cả hình ảnh quen thuộc nhất của vùng đất Duy Xuyên. Trời Sài Gòn mà mưa lành lạnh chút xíu thôi là trên trang xuất hiện đĩa dế đồng rang, hay đĩa bánh xèo, ốc hút bà Hết. Rồi khi trời nắng cháy da, có thành viên lại đưa cái hình quán chè ông Thị chỗ Nam Phước để ai cũng nhớ về cái thời cắp sách đến trường, đi giữa trưa nắng, ước chi đến quán ông Thị để ăn được ly chè thập cẩm, ngọt lịm, ngon có tiếng. “Những lúc áp lực công việc đè nặng, muốn tìm chút gì đó cho nhẹ lòng là mình vô trang Hội Người Duy Xuyên. Mấy hôm rồi, trời Sài Gòn như sắp tết, nhớ vồng cải mẹ trồng trước sân, nhớ mấy cây thược dược ba trồng mỗi năm và háo hức chờ nó trổ nụ, y như rằng vô trang mạng là thấy hình mấy bạn chụp vườn cải, chậu thược dược đưa lên. Nỗi nhớ nhà tăng lên nhưng lại là động lực để hoàn thành tốt những công việc cuối năm” - chị Đặng Thị Ngọc Hạnh (quê ở Câu Lâu, thị trấn Nam Phước) chia sẻ.
Đùm bọc sẻ chia
Khi nghe thông tin bé Bảo Hân (4 tháng tuổi) ở Duy Hải bị tràn dịch phổi phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.Hồ Chí Minh, ngay lập tức các thành viên trong Hội Người Duy Xuyên lên mạng vận động kêu gọi sự chia sẻ của mọi người. Chỉ trong vòng 2 ngày sau khi đưa thông tin, hội đã có được một khoản tiền kha khá giúp bé Hân uống sữa, hỗ trợ bố mẹ bé trả tiền phòng... Hay như hằng năm, trước mỗi kỳ thi đại học, hơn 40 thành viên Ban quản trị Hội liên hệ về các trường THPT ở Duy Xuyên nắm danh sách, số điện thoại thí sinh dự thi cao đẳng, đại học. Các điểm thi như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Biên Hòa… hội đều cắt cử thành viên đưa đón, tìm chỗ trọ miễn phí cho thí sinh. Thành viên Hải Nghĩa chia sẻ: “Hội Người Duy Xuyên hoạt động trên tinh thần tự nguyện, vì nghĩ mấy em cũng sẽ lơ ngơ như mình đi thi ngày xưa. Cứ nghe người Duy Xuyên thi đại học và đậu đại học là sướng cái đã”.
Hồi đầu tháng 12, Hội Người Duy Xuyên cũng đã đứng ra tổ chức hội trại người Duy Xuyên tại Sài Gòn với nhiều chương trình như hóa trang, vòng tay Duy Xuyên, giải mật thư, thi nấu mì Quảng… Ông Võ Ngọc Xuân - Chủ tịch Hội đồng hương Duy Xuyên tại Sài Gòn cho biết: “Có tham gia hội trại với tụi trẻ mới thấy người già mình thua nhiều! Sắp trẻ bây giờ năng động và biết cách gắn kết tình đồng hương. Tụi tôi giờ già rồi chỉ biết nhau ở một số nơi thôi chứ có được như tụi trẻ đâu. Giờ thì có thể yên tâm về cái gọi là tình đồng hương Quảng Nam của lớp trẻ rồi!”.
Duy Xuyên từng nổi tiếng là xứ tằm tang, quê lụa. Giờ đây những dải lụa lòng đã và đang tiếp tục kết nối đến mọi miền...