Mãi cho đến khi xem lại những thước phim quay được từ trực thăng của Sư đoàn không quân 372 về diện mạo vùng đất Quảng Nam mà đặc biệt là dọc dài con sông Thu Bồn nơi đầu nguồn xuống tận vùng cửa biển…chúng tôi mới phần nào hiểu được tầm vóc quê hương gấm hoa của mình. Từ điểm nhìn trên cao ấy, có cảm giác dòng sông Thu Bồn đang dang đôi tay rộng dài ôm ấp những làng quê, đồng bãi, như cánh chim bằng vỗ những nhịp đập đồng điệu cùng bao thăng trầm, dâu bễ của số phận Quảng Nam. Và cũng từ điểm nhìn trên cao ấy, chúng tôi mới có dịp cảm nhận đầy đủ câu thơ xuất thần của nhà thơ lớn Thu Bồn thuở nào : Cho con núi rộng sông dài. Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm…
Chưa bao giờ chúng tôi lại có dịp được “mục sở thị” hình dáng đất Mẹ từ nhiều góc nhìn, nhiều chiều kích văn hóa như khi thực hiện bộ phim tài liệu “ Mẹ Thu Bồn”. Đó là một dự án phim lớn, đòi hỏi chúng tôi phải có tư duy khác hơn, mới mẻ hơn và sâu rộng hơn so với những gì mình đã làm trước đó cũng về đề tài đất và người xứ Quảng. Tôi còn nhớ, hôm ngược ngàn lên phía thượng nguồn Thu Bồn để thực hiện những thước phim đầu tiên của dự án, đúng vào dịp Quảng Nam và cả nước nao nức đi bầu cử Đại biểu Quốc hội. Khi ngang qua điểm bầu cử tại thôn Mang-Dí, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, đồng chí Nguyễn văn Sĩ- Phó bí thư thường trực Tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Ngô văn Hùng- Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh Ủy có mặt ở đây từ rất sớm…đã chào đón chúng tôi với những lời động viên hết sức chân tình và quý báu. Anh Sỹ nói “ Đây là lần đầu tiên Quảng Nam thực hiện một bộ phim tài liệu có tầm vóc lớn, nội dung rộng, phản ánh sâu sắc về mọi mặt của vùng đất Quảng Nam từ quá khứ đến hiện tại…Chính vì thế, lãnh đạo tỉnh rất kỳ vọng vào những người làm phim, mong rằng bằng tinh thần trách nhiệm với quê hương, bằng sự nỗ lực hết mình trong công việc…chúng ta sẽ có một bộ phim mang nhiều giá trị…”. Đang lúc bận rộn với công tác bầu cử và nhiều việc khác, nhưng Phó bí thư thường trực vẫn dành cho đoàn làm phim chúng tôi những lời dặn dò và kỳ vọng chân tình như thế. Đó vừa là nguồn động viên anh em chúng tôi trên hành trình tác nghiệp vừa như là lời nhắc nhở để chúng tôi ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm mà mình được giao.
Càng đi về phía đầu nguồn, vóc dáng Quảng Nam càng trải ra trước mắt chúng tôi những cảnh sắc cực kỳ quyến rũ. Những ban mai núi rừng chìm trong sương trắng. Những chân ruộng bậc thang nằm kề bên núi tuy không lớn nhưng lại gợi lên một cảm giác yên bình đến nao lòng. Những buổi hoàng hôn bảng lãng mây bay đầu non và chập chờn cánh chim vỗ cánh tìm nơi trú ẩn…đủ sức níu kéo thời gian dừng lại và làm tâm hồn mỗi chúng tôi chập chùng trong niềm hứng khởi vô biên. Đâu đó bên những cánh rừng xanh thẳm, tiếng suối róc rách, tiếng chim réo gọi bầy, tiếng gà rừng vút lên giữa trưa bóng xế…dường như càng làm bậc lên sức sống diệu kỳ nơi thượng nguồn đất Mẹ. Chúng tôi rất may mắn khi trong hành trình ngược ngàn có người con ưu tú của núi rừng Trà My đi cùng. Đó là già làng Hồ văn Reo- nguyên Trưởng Ban dân tộc miền núi tỉnh. Ông Reo là người Xê-đăng, ông thuộc địa hình miền núi Trà My như trong lòng bàn tay. Ông kể với chúng tôi nhiều câu chuyện thấm đẫm truyền thống văn hóa và truyền thống yêu nước của dân tộc mình, về tinh thần cần cù chịu thương chịu khó trong lao động. Ông nói, trong đấu tranh, người Xê-đăng một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, hòa bình rồi, chúng tôi lại hăng say lao động trên mảnh đất của ông cha mình. Nhưng đồng bào còn khổ lắm…Đúng vậy, đồng bào Xê đăng ở miền núi Nam Trà My nói riêng và đồng bào các dân tộc ít người ở Quảng Nam nói chung vẫn còn nghèo lắm. Chúng tôi đi qua những bản làng heo hút trên sườn non, cảm nhận nét hoang sơ và cuộc sống quá nhiều thiếu thốn. Những ngôi nhà sàn xiu vẹo, những cô bé, cậu bé Xê-đăng chân trần, tóc xoăn, rám nắng ngơ ngác nhìn khách lạ, những cụ già đầy khắc khổ chào chúng tôi bằng nụ cười như từ thuở hồng hoang. Duy chỉ có một điều đủ sức làm ấm lòng bất cứ ai khi đặt chân đến với núi rừng Trà My. Ấy là những đêm đốt lửa ở nhà làng. Tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hú gọi, tiếng bước chân, tiếng gió, tiếng tí tách của lửa…bập bùng vào đêm, miên man giao hòa cùng đất trời làm bừng thức một vùng gấm hoa xứ Quảng. Và, chúng tôi đi trong âm hưởng bập bùng ấy để cảm nhận hơi thở của sự sống mãnh liệt vẫn cứ âm ỉ chảy trong dòng chảy Mẹ Thu Bồn.
Chẳng hiểu thế nào, nhưng trong suốt hành trình dài dặt đi tìm “Chân dung Mẹ Thu Bồn”, chúng tôi luôn luôn nhận được một sự “trợ giúp” rất huyền bí nào đó. Khó có thể lý giải một câu chuyện tưởng chừng như là cổ tích từ hàng ngàn năm trước, khi đứng giữa núi non thăm thẳm rừng già của đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ, giữa tiếng thác réo rắt từ dòng Nước Na tuông chảy, nhà văn Nguyễn Khắc Phục- Tổng đạo diễn của bộ phim tài liệu Mẹ Thu Bồn, trào dâng xúc động mà thốt lên rằng : Mẹ Thu Bồn ơi, chúng con đã về đây bên Mẹ. Chúng con đã nghe tiếng Mẹ thì thầm từ đỉnh núi này để tạo nên một dòng sữa mát lành cho sự sống Quảng Nam…Ông nói chưa dứt câu, bỗng dưng từ đâu đó nơi những cánh rừng xanh của đại ngàn xuất hiện một đôi chim lớn vút bay lên, chao liệng rất nhiều vòng trên bầu trời chỗ chúng tôi đứng. Dưới cái nắng mùa xuân vàng như mật, đôi chim như nhảy múa cùng mây trời, hòa điệu cùng gió tạo nên một sinh khí ngút ngàn khiến các quay phim không thể bỏ lở khoảnh khắc kỳ diệu như thế. Và, đó đúng là những thước phim đẹp đến nao lòng. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục gọi chuyến đi về nơi đầu nguồn sông Mẹ là “ Cuộc phiêu lưu cuối cùng” của ông. Có phải thế chăng mà, dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, sức khỏe không cho phép, nhưng dường có một sức mạnh nào đó đã đưa ông tới tận đỉnh Ngọc Linh ở độ cao hơn hai nghìn năm trăm mét so với mặt nước biển mà không hề gặp bất cứ trục trặc nhỏ nào về sức khỏe. Đó quả là điều kỳ diệu mà chúng tôi cảm nhận được từ Mẹ trong suốt hành trình ngược ngàn của mình. Cũng như khi dựng cảnh để quay một trong những truyền thuyết của nghệ thuật tuồng xứ Quảng trên dòng sông Thu Bồn, chúng tôi đã gặp may hết sức khi mà suốt hàng tháng ròng của những ngày đầu hè năm nay trời không có lấy một giọt mưa, bỗng dưng khi thuyền chở ê kíp làm phim và nhân vật ra giữa sông, mây đen kéo về đen kịt cả bầu trời và mưa xối xả đổ xuống khiến cả một khúc sông mịt mù trong mưa, sóng gió dữ dội. Cảnh này chúng tôi quay chiếc trống chiến mà tương truyền vào một năm lũ lụt lớn, chiếc trống tuồng từ làng
Mỹ Lưu nay thuộc Quế Lưu, Hiệp Đức vùng thượng nguồn sông Thu Bồn ngày xưa có một gánh hát bội rất hay, vào một mùa đông nọ bão lụt dữ dội, một cơn lũ lớn đã ập vào làng, cuốn trôi cái trống của gánh tuồng ấy, từ đó gánh tuồng suy yếu rồi tan rã. Chiếc trống làng Mỹ Lưu trôi xuôi theo dòng sông Cái về hướng đông qua Cửa Đại rồi ra biển. Chiếc trống trôi, ghé vào làng nào thì làng ấy có gánh hát bội. Cơn mưa lớn bất ngờ đã làm cảnh quay mang dáng dấp “truyền thuyết” và câu chuyện Tuồng Quảng Nam của chúng tôi trong xê ri phim Mẹ Thu Bồn có thêm tính thuyết phục.
Chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng, Mẹ Thu Bồn chính là hình tượng đẹp đẻ, là một dòng chảy xuyên suốt chiều dài về địa lý, văn hóa và lịch sử xứ Quảng. Bởi vậy, trong suốt quá trình thực hiện phim tài liệu Mẹ Thu Bồn, chúng tôi cố gắng khắc họa chân dung Mẹ Thu Bồn ở nhiều chiều kích và tầng vỉa văn hóa, trong đó tập trung nhấn mạnh hình ảnh Thu Bồn như là chứng nhân của những thăng trầm dâu bễ Quảng Nam. Từ những cuộc di dân đầu tiên trên bước đường mở cõi về phương Nam, đánh dấu bằng đại thắng của hai mươi vạn quân do vua Lý Thánh Tông thân chinh đi bình Chiêm năm 1471..cho đến biết bao dấu ấn, sự kiện bi tráng diễn ra dọc đôi bờ con sông Thu Bồn của những năm dài chống Mỹ ác liệt và mãi cho đến tận bây giờ…đều thể hiện sự gắn bó rất thủy chung giữa hình ảnh Thu Bồn và số phận Quảng Nam. Chúng tôi rất may mắn ghi lại được những ý kiến có giá trị của các thế hệ người con ưu tú trên đất Quảng hoặc đã có một thời gắn bó máu thịt với mảnh đất này và tất cả đều có chung quan điểm, khi nhắc đến Quảng Nam là nhắc đến dòng sông Thu Bồn. Đó không chỉ là sông mà còn là một Biểu tượng của xứ Quảng. Biểu tượng ấy như mạch nguồn được khơi thông từ đỉnh cao Ngọc Linh xanh thẳm rồi lượn lờ, ôm ấp những làng quê Quảng Nam ở miền đồng bằng và xuôi ra biển nơi Cửa Đại, Cù Lao mênh mông. Nhiều ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà khoa học xã hội và tự nhiên cho rằng, chúng ta đã và đang “đối xử” với Biểu tượng Thu Bồn của mình như thế nào để có lúc sông phải ầm ào dữ dội cuốn phăng đi tất cả làng mạc, nhà cửa và thậm chí là con người ở đôi bờ, để sông mất đi vẻ mỹ miều, quyến rũ như sông đã từng có từ bao đời…
Ông Vũ Ngọc Hoàng- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh Ủy Quảng Nam nêu ra một vấn đề khiến những người làm phim Mẹ Thu Bồn chúng tôi hết sức trăn trỡ. Ông nói, Quảng Nam chúng ta có rừng, có biển và đặc biệt là có sông Thu Bồn-dòng chảy văn hóa suốt chiều dài lịch sử xứ Quảng. Người Quảng Nam rất cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động lại hết sức thông minh trong sự học, bằng chứng Ngũ phụng tề phi vẫn còn lưu danh sử sách…Vậy tại sao Quảng Nam vẫn còn nghèo. Đó là câu hỏi mà các thế hệ con dân của Mẹ Thu Bồn hôm nay và mai sau cần nghiêm túc tìm câu trả lời. Và chúng tôi tin chắc rằng, Mẹ Thu Bồn lồng lộng trên cao sẽ mãi dõi theo từng bước đi những đứa con xứ Quảng của mình không chỉ bằng lòng bao dung và dòng sửa ngọt ngào mà còn bằng một ánh nhìn đầy nghiêm khắc.