Quảng Nam - Đất và người
Nằm ở giữa miền Trung Việt Nam, phía bắc Quảng Nam giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng, phía tây giáp nước Lào, phía nam giáp Quảng Ngãi, phía đông giáp biển Đông, ngoài khơi có đảo Cù Lao Chàm với ngư trường rộng lớn.
Quảng Nam, “vùng đất địa linh nhân kiệt”, thiên nhiên đã ưu đãi và hào phóng dành cho nơi đây một địa thế thuận lợi với những ngọn núi cao: núi Lum Heo cao 2.045m, núi Tion cao 2.032m, núi Gole - Lang cao 1.855m (huyện Phước Sơn). Vùng đất thấp ven biển là đồng bằng châu thổ, chiếm gần 25% diện tích đất của tỉnh tập trung ở phía đông, trải dài hai bên quốc lộ. Các con sông lớn đều chảy từ dãy Trường Sơn ra biển Đông: sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Tam Kỳ. Hai dòng sông Thu Bồn và Tam Kỳ vừa tô điểm cho Quảng Nam vừa là đường giao thông rất tiện lợi.
Sông Thu Bồn
Đường bờ biển kéo dài từ Điện Ngọc đến giáp vịnh Dung Quất hoang sơ và sạch đẹp cùng với Hồ Phú Ninh, thủy điện Duy Sơn, khu rừng nguyên sinh phía Tây Quảng Nam, sông Trường Giang và xứ đảo Cù Lao Chàm là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng; ngày nay trở thành điểm dừng chân của bao du khách.
Người Quảng Nam có tố chất thông minh, sáng tạo, cứng cỏi và có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất.
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chua nhấm đã say
Sức sống, sức sáng tạo của người dân nơi đây luôn gắn liền với sự “nhạy cảm với cái mới, khao khát cái mới như đất hạn khát mưa, háo hức hút ngay từ giọt nước đầu tiên. Thậm chí khi chưa thật sự có giọt nước nào, chưa thật sự mưa đã náo nức hóng về mưa, cảm nhận ra nó rất sớm, chờ đón nó nồng nhiệt" (sđd: trang 370: Tìm hiểu con người xứ Quảng do Nguyên Ngọc chủ biên).
Đất và người Quảng Nam luôn là những bí ẩn đối cho những ai muốn khám phá.
Đất văn hoá
Vùng văn hóa Quảng Nam được hình thành trong tổng thể vùng văn hóa miền Trung. Địa hình nằm ở chính trung điểm đất nước theo trục Bắc - Nam, đây là nơi giao hòa của những sắc thái văn hóa giữa hai miền và giao lưu văn hóa với bên ngoài, điều này góp phần làm cho Quảng Nam giàu truyền thống và độc đáo về bản sắc văn hóa …
Đến với Quảng Nam, chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những công trình kiến trúc cổ đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật.
Thánh địa Mỹ Sơn
Đó là 2 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, phố cổ Hội An và khu Di tích Mỹ Sơn với những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Khu Di tích Mỹ Sơn là cả một quần thể kiến trúc độc đáo của những ngôi đền tháp uy nghiêm, hùng tráng lưu dấu một thời huy hoàng của các vị vua Chăm. Có thể nói, đền tháp Mỹ Sơn là một hình ảnh điển hình của lịch sử kiến trúc cổ Chămpa. Cho đến nay, qua rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước, kỹ thuật nung gạch, kỹ thuật xây dựng đền tháp Chàm vẫn còn là một ẩn số. Điều này góp phần tăng thêm vẻ huyền bí cho những ngôi tháp cổ Mỹ Sơn khi du khách đến thăm.
Đô thị cổ Hội An - nơi “hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa”, nơi tụ cư, hỗ cư và hợp cư của nhiều sắc thái văn hóa của người Việt, người Hoa, người Nhật Bản và người châu Âu … từ thế kỷ XVI. Hội An là một trong số rất ít những đô thị được bảo tồn tương đối nguyên vẹn với một tổng thể kiến trúc phong phú, đa dạng.
Chùa Cầu Hội An
Quảng Nam cũng là nơi lưu giữ hàng trăm công trình kiến trúc Việt cổ như đình, chùa, văn miếu, lăng miếu, nhà ở,… có niên đại cách đây 300 -500 năm. Các di tích này không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật là còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng, thể hiện sự phát triển lâu đời của một vùng văn hóa đàng Trong. Những kinh đô cổ Trà Kiệu, các tháp chàm Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bàng An, Phật viện Đồng Dương...là những nơi ghi lại dấu ấn rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt.
Bên cạnh đó, Trên 260 di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, trong đó có 15 di tích xếp hạng quốc gia sẽ mãi mãi là niềm tự hào, là những trang sử hào hùng minh chứng cho truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của người xứ Quảng trong lịch sử giữ nước, dựng nước của dân tộc.
Giá trị văn hóa của Quảng Nam không chỉ tỏa sáng từ những công trình kiến trúc cổ mà còn được tạo nên bởi những sắc màu văn hóa độc đáo ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lễ hội của các dân tộc sinh sống trên quê hương nặng nghĩa tình này. Đây chính là tài sản vô giá, là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Quảng Nam.
Lễ hội ở Quảng Nam hết sức phong phú và đa dạng. Các lễ hội của người dân miền núi, miền biển, lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo,... tất cả đều mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, được tổ chức đều đặn hàng năm để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; để ngợi ca những bậc tiền nhân; hướng về cội nguồn, truyền thống của dân tộc và thể hiện khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ của con người nơi đây…Tiêu biểu như lễ hội Bà Thu Bồn (12 tháng 2 âm lịch): Bà vốn là một nữ thần Chăm mà người Việt vẫn thờ cúng và kính cẩn gọi là Bồ Bồ phu nhân ; lễ tế cá Ông tại những làng có đền, miếu thờ "Ông": Người Chăm và người Việt ở miền Trung từ lâu đã xem "Ông" (cá voi) là ân nhân của dân chài và những tàu thuyền gặp nạn trên biển ; sau phần tế lễ luôn luôn có hát bả trạo, hát bội, hát hò khoan…
Lễ hội Bà Thu Bồn
Quảng Nam còn là nơi có nhiều làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển từ nhiều đời nay. Trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm, nghề và làng nghề đã tồn tại và phát triển ở đây như một phần không thể tách rời lịch sử mỗi làng quê, thôn xóm của vùng đất này.
Bên cạnh đó, văn hoá ẩm thức với mì Quảng, cao lầu Hội An, bò tái Cầu Mống, bánh tráng cuốn thịt heo, giò ốc, ốc vú nàng, bánh vạc, bánh bao,bánh tổ,…đã làm nên nét riêng của vùng đất này. Các món ăn đất Quảng đi vào đời sống, vào câu ca dao dân ca, vào tâm linh - tâm hồn người Quảng Nam. Những món ăn từ dân dã đến cầu kỳ mà từ cách ăn đến cách chế biến cũng như tính cách người Quảng: cần kiệm, dè sẻn mà lại phóng khoáng,vui tươi. Mộc mạc mà đậm chất. Từ con cá nục cuốn bánh tráng, rau muống chấm nước mấm “gin” (nguyên chất), cái bánh bèo con con, đến món mì Quảng sợi vàng óng ánh, con bò thui bên trong nhét lá ổi, lá sả thơm phức. Mì Quảng bây giờ đã là món ngon thân quen của người Việt ở nhiều nơi, không thua gì phở Bắc, bún bò Huế, hủ tiếu Mỹ Tho…
Mì quảng
Nói tiểu vùng văn hóa Quảng Nam thì cũng phải nhắc tới kho tàng văn nghệ dân gian của nó với vè Quảng, hò đi cấy, hò xay lúa, hò tát nước, hò giã gạo, hò giã vôi, hò đạp xe nước, hò khoan, hò ba lý, hát bã trạo, hát nhân ngãi, hô bài chòi… với thổ ngữ và cái giọng Quảng chắc nịch, đậm đà:
Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra cho khỏi tay qua
Cái xương bậu nát cái da bậu mòn!
Với những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể quí báu còn được lưu giữ, Quảng Nam hôm nay thực sự là một tiểu vùng văn hóa giàu bản sắc trong tổng thể các vùng văn hóa của Việt Nam.
Vùng đất học, đất khoa bảng
Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, Đất Quảng Nam được coi là vùng “đất học”, “đất khoa bảng”. Nơi đây là quê hương của nhiều nhân tài học rộng, đỗ cao, quê hương của nhiều vị anh hùng dân tộc qua các thời kỳ, những con người làm rạng danh đất Quảng như: Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu,Trần Cao Vân …
Từ đầu Triều Nguyễn, tại Quảng Nam đã hình thành một trung tâm văn học được coi là đứng thứ hai của đất nước sau trung tâm văn học cổ kính của thủ đô Hà Nội.
Quảng Nam đã sản sinh ra nhiều danh nhân khoa bảng. Tiêu biểu là Khoa thi năm Mậu Tuất (1898), toàn quốc có 18 vị Tân Khoa, thì Quảng Nam có 5 vị, 3 Tiến Sĩ và 2 Phó Bảng. Ðó là một điều hy hữu trong lịch sử thi cử của nước nhà. Kể từ các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn có tất cả 187 khoa thi Tiên Sĩ với 2971 người đậu Tiến Sĩ nhưng chưa có khoa nào 5 người đồng hương cùng đậu . Vua Thành Thái và triều Nguyễn đã ban danh hiệu Ngũ Phụng Tề Phi để khen tặng. Năm vị đó là các ông Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Lý và Dương Hiển Tiến.
Ngoài ra khoa Tân Sửu (1901) Quảng Nam có 4 vị đỗ đồng khoa Phó Bảng là các ông Nguyễn Ðình Hiến, Nguyễn Mậu Hoán, Võ Sỹ và Phan Chu Trinh. Bốn vị này được mệnh danh là Tứ Kiệt.
Những danh hiệu Ngũ Phụng Tứ Phi hay Tứ Kiệt nói lên tài học và sự vinh hiển đậu đạt của các danh sĩ Quảng Nam, con cháu người Quảng Nam nói chung và Tộc Trần nói riêng lấy đó làm vinh dự và noi gương.
Tinh tuý của học thuật Quảng Nam là cái học thấu suốt, cách vật trí tri, học để hiểu biết thêm ý nghĩa và mục đích của học vấn, học đi đôi với hành, học để phát huy đạo đức. Học hành giỏi, thi đỗ làm quan, là con đường lập thân của người đàn ông Việt Nam thời trước. Nhưng làm quan để làm gì, là sự khác nhau về lý tưởng của mỗi người. Quan trường là phương tiện tốt để những người yêu nước thương dân đem khả năng của mình ra phục vụ.
Ða số những danh sĩ Quảng Nam là những người yêu nước thương dân. Ra làm quan là những người thanh liêm nổi tiếng. Gặp thời loạn ly, đất nước bị ngoại xâm, họ tích cực chống giặc bảo vệ tổ quốc, từ quan, tham gia vào các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, như: Phạm Phú Thứ, người làng Ðông Bàn, phủ Ðiện Bàn; Hoàng Diệu, người làng Xuân Ðài (Ðiện Bàn);Trần Văn Dư, người làng An Mỹ Tây, huyện Tam Kỳ; Nguyễn Duy Hiệu, người làng Thanh Hà, Ðiện Bàn…
Trong quá trình lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam từ các phong trào Cần Vương, Ðông Du, Duy Tân và những phong trào kháng chiến về sau, các danh sĩ Quảng Nam đã đóng góp cả bản thân và đi sống của mình cho sự nghiệp chung của dân tộc.
Những hoạt động cách mạng của những nhân sĩ Quảng Nam tuy không đem lại sự thành công trực tiếp nhưng đã đóng góp tích cực vào việc duy trì một khí thế đấu tranh liên tục của dân tộc.
Vì sợ hãi tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Nam và các tỉnh lân cận miền nam đèo Hải Vân như Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên ,chính quyền thực dân Pháp tiếp tục duy trì chính sách liệm biệt đối xử đã có sẵn từ thời nhà Nguyễn. Họ hạn chế tối đa việc học đối với những tỉnh này (việc học vấn đã hạn chế trong cả nước), ngay cả thành phố Ðà Nẵng (Touranne) là thuộc địa của Pháp cũng không có trường Trung Học. Do đó chỉ có rất it người dân Quảng Nam có đủ điều kiện để học cấp cao trong thời kỳ tân học.
Nhưng với truyền thống học giỏi, tinh thần yêu nước, trọng tự do và phẩm giá con người, những người con đất Quảng đã nỗ lực phấn đấu vươn lên không mệt mỏi để có thể làm rạng danh cho quê hương mình, Quảng Nam- đất khoa bảng.