Để triển khai các hoạt động của dự án, từ ngày 20-24/5/2014, Đoàn chuyên gia thành phố Minamiboso gồm 5 người do ông Fumio Kato, Giám đốc dự án JICA làm Trưởng Đoàn đã đến khảo sát và làm việc tại Quảng Nam. Đoàn đã đi khảo sát các làng nghề tại các huyện Điện Bàn (làng nghề Đông Khương), Duy Xuyên (HTX Tơ lụa Mã Châu), Thăng Bình (bánh tráng Hương Huệ, làng nghề nước mắn Cửa Khe, HTX rau sạch Mỹ Hưng và HTX nông nghiệp Bình Sa), Tiên Phước (làng nghề Trầm Hương Tiên Phước) và Phú Ninh (làng mộc Văn Hà). Ngoài việc khảo sát thực tế các làng nghề, Đoàn đã làm việc với Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn để tìm hiều khả năng thiết lập quầy bán hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề tại đây; làm việc với Công ty TNHH Đại Việt để nghiên cứu xây dựng quầy quảng bá thông tin, văn hóa, du lịch tại Cửa hàng Nông dân đặt bên trong Trạm dừng nghỉ Bình An. Đoàn đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án tỉnh để trao đổi về tình hình triển khai dự án và những đề xuất kiến nghị trong việc triển khai dự án thời gian tới. Nhìn chung đoàn đánh giá cao kết quả bước đầu trong việc triển khai dự án, một số hợp phần dự án đã thực sự mang lại hiệu quả cho người hưởng lợi như hợp phần hỗ trợ thiết bị sấy cho Tổ hợp tác Hương Huệ (Bình Trị), hợp phần phát triển thị trường tiêu thụ rau an toàn Mỹ Hưng. Bên cạnh những kết quả đạt được, đoàn cũng lưu ý một số tồn tại khó khăn nhất định trong quá trình triển khai dự án cần được quan tâm khắc phục trong thời gian tới.
Tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn, ông Đinh Văn Thu, PCT UBND tỉnh kiêm Chủ tịch LHHN tỉnh, Trưởng Ban Quản lý dự án hoan nghênh và đánh giá cao kết quả triển khai dự án và chuyến công tác của đoàn tại Quảng Nam.
Qua chuyên khảo sát, đoàn cho rằng các nghệ nhân Quảng Nam rất giỏi tay nghề nhưng hầu hết các sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa phù hợp với du khách hiện nay do kích cỡ sản phẩm tương đối lớn và nội dung các sản phẩm chưa thật thu hút du khách đến từ nhiều châu lục. Đoàn đã đặt hàng sản phẩm mẫu cho các nghệ nhân Quảng Nam cũng như tại các làng nghề vùng Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) khi đoàn đến làm việc trước đó để các chuyên gia du lịch có thể nhận xét đánh giá và tư vấn trong việc phát triển sản phẩm mới. Mặt khác theo tư vấn của các chuyên gia Nhật, phía Quảng Nam cần xây dựng cơ chế chứng nhận sản phẩm của các làng nghề để du khách có thể phân biệt và tin vào sản phẩm mình mua, từ đó sẽ kích thích thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đoàn ghi nhận những đề xuất kiến nghị của Ban Quản lý tỉnh và của các địa phương về một số hợp phần dự án để tiếp tục xem xét hỗ trợ trong thời gian tới.