Để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới, ở Trung ương đã hình thành Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam bao gồm các tổ chức: Ủy ban hòa bình, Ủy ban đoàn kết hữu nghị, các Hội hữu nghị song phương, đa phương của nước ta với các nước.
Để hiện thực hóa phương châm trên trên, ở Trung ương đã ban hành nhiều văn bản nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý cho hoạt động công tác đối nhân dân trong toàn ngành như Chỉ thị 04-CT/TW, 28-CT/TW, 44-CT/TW, Nghị định 93/NĐ-TW… Văn bản được triển khai thực hiện trên diện rộng ở nhiều địa phương.
Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phục vụ cho mục đích đối ngoại, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ra quyết định thành lập Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tại Quyết định số 99/QĐ-UB ngày 28/01/1995 do ông Nguyễn Đình An làm Chủ tịch.
Sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (tháng 01/1997), kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại nhân dân của Tỉnh nhà, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương thành lập Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam (Liên hiệp) tại Quyết định 676/QĐ-UBND ngày 21/02/2003.
Được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Tỉnh, Đại hội đại biểu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam lần thứ I (nhiệm kỳ 2004-2009) diễn ra vào ngày 24-25/03/2004, sau khi hiệp thương ra mắt Đoàn Chủ tịch gồm 20 ủy viên Ban Chấp hành. Đồng chí Hồ Thị Thanh Lâm-nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Châu Sinh làm Phó chủ tịch thường trực, các đồng chí ủy viên Ban chấp hành đều là lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể trong tỉnh.
Liên hiệp ra đời nhận nhiệm vụ làm đầu mối vận động, tiếp nhận, chuyển giao nguồn tài trợ của các tổ chức PCPNN cho các đối tượng nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và cho yêu cầu phát triển bền vững; phối hợp tổ chức các hoạt động hòa bình, đoàn kết hữu nghị nhân dân giữa Việt Nam với các nước. Đồng thời thông qua các hoạt động đối ngoại nhân Liên hiệp làm “cầu nối” quảng bá, giới thiệu con người, văn hóa Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, mời gọi các đối tác, các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam.
Ngày 12/5/2003, Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam. Điều lệ xác định Liên hiệp là tổ chức chính trị-xã hội có chức năng đối ngoại nhân dân, có các đối tác là các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ và cá nhân nước ngoài hoạt động viện trợ nhân đạo tại Quảng Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng chỉ đạo xuyên suốt hoạt động của Liên hiệp cho đến nay.
Trong 5 năm đầu (nhiệm kỳ 2004-2009), Liên hiệp đã từng bước kiện toàn bộ máy cơ quan thường trực (cũng chính là Văn phòng Liên hiệp), phát triển các tổ chức thành viên và cơ sở, đổi mới phương thức và nội dung hoạt động, củng cố mối quan hệ sẵn có, mở rộng thêm các mối quan hệ quốc tế. Hiện nay, Liên hiệp có 05 tổ chức thành viên, gồm các Hội hữu nghị: Việt – Lào, Việt – Hàn, Việt – Nga và Việt – Pháp, Ban vận động thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản và phát triển 9 chi Hội trực thuộc đặt tại các Trường học, bệnh viện và các Trung tâm bảo trợ xã hội.
Trong nhiệm kỳ này, Liên hiệp đã đón tiếp hàng trăm đoàn khách hữu nghị nhân dân với hàng trăm lượt khách từ nhiều nước trên thế giới đến thăm Quảng Nam. Liên hiệp đã cùng các Hội thành viên phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là nước bạn Lào, với các đối tác truyền thông, các nước trong khu vực, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giao lưu hợp tác với các đối tác khác, trên cơ sở đó xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác bền vững giữa ta và bạn bè quốc tế.
Song song với hoạt động hữu nghị, công tác phi chính phủ nước ngoài cũng có những bước phát triển mới. Đến năm 2009, có khoảng 30 tổ chức PCPNN hoạt động tại Quảng Nam, trong đó có khoảng 20 tổ chức có đăng ký được cấp phép dự án hoặc cấp phép hoạt động, có chương trình, dự án viện trợ trên các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, xã hội, xóa đói giảm nghèo… Trong vòng 5 năm, Liên hiệp đã trực tiếp vận động tổng giá trị viện trợ PCPNN 10 tỉ VNĐ, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội và phát triển tại Quảng Nam.
Ngày 02/12/2008 Ban Bí thư trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 28-CT/TW “về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam”. Ngay sau đó,Tỉnh ủy Quảng Nam có Thông tri 12-TT/TU ngày 26/10/2009“về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam”, đánh dấu sự quan tâm của chính quyền địa phương dành cho Liên hiệp hữu nghị tỉnh Quảng Nam.
Thực hiện theo chủ trương:“mở rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường quan hệ song phương và đa phương với các tổ chức nhân dân các nước, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức Phi chính phủ quốc gia và quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân các nước trong khu vực trên thế giới”, Liên hiệp cần phải phát huy hơn nữa vai trò của mình, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động viện trợ viên trợ PCPNN, với phương châm “Hòa bình- Hữu nghị - Hợp tác & Phát triển” từng cán bộ, hội viên không ngừng nâng cao năng lực làm việc, tinh thần sáng tạo và tự chủ để phục vụ tốt công tác này.
Để đánh giá tổng kết kết quả hoạt động nhiệm kỳ I, ngày 28-29/10/2009, Đại hội đại biểu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam lần thứ II được tổ chức trọng thể với sự tham dự của đông đảo đại biểu các tổ chức thành viên, các vị lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh, đại diện lãnh đạo Liên hiệp Trung ương và Liên hiệp các tỉnh bạn. Đại hội đã hiệp thương bầu ra Ban Chấp hành gồm 21 vị. Đồng chí Trần Minh Cả được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp. Ban Chấp hành gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên Thư ký, đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên, đại diện lãnh đạo một số Sở, Ngành, Đoàn thể tỉnh. Đại hội cũng xác định những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đối ngoại của Liên hiệp trong giai đoạn 2009-2014. Đại hội lần này là cột mốc đánh dấu sự phát triển, trưởng thành về nhiều mặt của Liên hiệp; đồng thời tạo nền tảng, tiền đề hết sức quan trọng trong việc phát triển, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí, cơ cấu tổ chức, phương thức và nội dung hoạt động của Liên hiệp trong giai đoạn tiếp theo.
Cùng với sự phát triển của Liên hiệp, Văn phòng là bộ phận Thường trực Liên hiệp cũng được củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động. Liên hiệp đã xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của Văn phòng Liên hiệp. Văn phòng cũng đã tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên hiệp xây dựng, triển khai các Chương trình làm việc của Ban Chấp hành và báo cáo kết quả thực hiện hàng năm, hàng quí; xây dựng và triển khai Chương trình hành động của Ban Thường vụ Liên hiệp thực hiện Nghị quyết Đại hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam lần thứ tư (2008 – 2013); tham mưu cho Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổng kết thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Ban Bí thư về nhiệm vụ và tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam, tổng kết công tác Phi chính phủ nước ngoài theo chỉ thị 19-CT/TW, v.v… Những việc trên đã đưa hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Cơ quan Thường trực Liên hiệp theo nề nếp khá chặt chẽ, làm việc theo quy chế, theo chương trình, kế hoạch với những nội dung được xác định trong từng thời gian, thời điểm; nâng dần tính chuyên nghiệp trong hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp và bộ phận Thường trực; góp phần thúc đẩy những chuyển biến trong hoạt động của các tổ chức thành viên.
Đánh giá kết quả hoạt động Liên hiệp Quảng Nam qua 10 năm
Trong 10 năm qua, trên cương vị là cơ quan hoạt động công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã tiếp và làm việc chính thức với các đoàn khách là các tổ chức hòa bình, hữu nghị của các nước và các tổ chức quốc tế nhân dân thuộc các châu lục trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu Zi lân, Pháp, vv... Duy trì chính sách đối ngoại, Liên hiệp phối hợp, hỗ trợ với các Hội thành viên và các Chi hội trực thuộc tổ chức các sự kiện đối ngoại kỷ niệm các ngày lễ lớn của Việt Nam và các nước, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các hoạt động đoàn kết, hữu nghị được tổ chức sôi nổi, thông qua các buổi giao lưu văn hóa – nghệ thuật – thể thao, chương trình giao lưu thanh niên hòa bình, quảng bá du lịch, thương mại và quan hệ giữa Việt Nam và các nước. Các hoạt động trên đã thu hút hàng trăm lượt người phía bạn và ta tham dự, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên các Trường trong tỉnh.
Nhiều hoạt động đoàn kết, hữu nghị được gắn với công tác xã hội – từ thiện, vận động các tầng lớp nhân dân Quảng Nam chia sẻ giúp đỡ nhân dân các nước bị thiên tai; vận động các Tổng Lãnh sự quán, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức kinh tế trong tỉnh ủng hộ các chương trình xã hội – nhân đạo trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, xây dựng trường học, cầu đường, khám chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa. Liên hiệp và các Hội thành viên cũng đã vận động giúp người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, xây trường, cấp học bổng cho học sinh nghèo… tại Quảng Nam.
Công tác thông tin đối ngoại luôn được Liên hiệp quan tâm phối hợp các ngành liên quan, các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương thực hiện bằng nhiều phương thức nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế về vùng đất và con người xứ Quảng; đồng thời giới thiệu các nước góp phần nâng cao hiểu biết quốc tế, ý thức đấu tranh bảo vệ hòa bình của các tầng lớp nhân dân Quảng Nam. Ngoài ra, Liên hiệp không ngừng vận động và tăng cường mối quan hệ với các tổ chức quần chúng tại các nước trong khu vực và thế giới; thường xuyên trao đổi thông tin và duy trì mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ và chính phủ của Trung Quốc, Mỹ, Niudilân, Singapore, Đức, Úc…
Tuy nhiên, Quảng Nam là một trong những địa phương của miền Trung hàng năm thường chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, nên công tác PCPNN được Liên hiệp quan tâm đổi mới từng ngày về nội dung và phương pháp công tác nhằm mở rộng quan hệ đối ngoại hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan ban ngành, địa phương, đoàn thể trong tỉnh và cơ sở với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tăng cường vận động viện trợ, thu hút các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực theo định hướng của tỉnh, góp phần làm bạn bè các nước hiểu, thiện cảm với đất nước và con người Việt Nam, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Quảng Nam với nhân dân các nước và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế.
Đến nay, có 30 tổ chức PCPNN từ các châu lục tham gia hoạt động viện trợ nhân đạo và phát triển tại Quảng Nam. Hàng năm có khoảng 5-7 tổ chức mới được cấp phép hoạt động và một số tổ chức kết thúc dự án, ngưng hoạt động. Đa số các chương trình dự án viện trợ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân Quảng Nam. Tổng giá trị tài trợ trong 10 năm qua của Liên hiệp là 20 tỉ VNĐ từ các chương trình nói trên.
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp Quảng Nam bằng nội lực cùng với sự chỉ đạo, giúp đỡ, phối hợp, hỗ trợ của Tỉnh uỷ, UBND, UBMTTQVN, của các cấp các ngành trong tỉnh và của Liên hiệp hữu nghị Việt Nam, Liên hiệphữu nghị tỉnh Quảng Nam và các tổ chức Hội thành viên đã tổ chức có hiệu quả một số hoạt động trên các lĩnh vực: Hòa bình hữu nghị, vận động viện trợ PCPNN, tuyên truyền quảng bá… góp phần tích cực vào công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Bên cạnh thành quả nêu trên, Liên hiệp cũng còn một số khuyết nhược điểm. Đó là: Quan hệ hữu nghị, hợp tác và vận động viện trợ chưa được mở rộng và hiệu quả chưa cao; việc xây dựng quan hệ phối hợp giữa Liên hiệp với các cơ quan ban ngành đoàn thể liên quan trong công tác đối ngoại nhân dân chưa được chặt chẽ.
Cơ sở vật chất, kinh phí và phương tiện bảo đảm hoạt động của Liên hiệp và các thành viên còn hạn chế và eo hẹp; đội ngũ cán bộ của Liên hiệp và các tổ chức thành viên chưa được đào tạo bồi dưỡng, hầu hết là kiêm nhiệm, năng lực có hạn; nhận thức chưa ngang tầm với vai trò, vị trí, phương châm và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Công tác nghiên cứu, tuyên truyền, thông tin đối ngoại chưa được khai thác triệt để.
Những đóng góp của Liên hiệp trong hơn 10 năm qua vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước tuy còn khiêm tốn song rất đáng trân trọng vì đã góp một phần nhỏ cho công tác đối ngoại nhân dân nói chung, đã làm cho nhân dân các nước hiểu rõ hơn, đồng tình hơn, ủng hộ mạnh mẽ hơn và hợp tác nhiều hơn với Quảng Nam trên mặt trận xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ làm công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp đã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 cờ thi đua của Đảng bộ tỉnh, 2 cờ thi đua xuất sắc của Liên hiệp Trung ương, 1 cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu trong nhiều năm của Ủy ban nhân dân Quảng Nam. Nhiều tổ chức và cá nhân trong & ngoài nước đã có đóng góp tích cực trong công tác đối ngoại nhân dân của Tỉnh được Đoàn Chủ tịch Liên hiệp HN Việt Nam, UBND, UBMTTQVN tỉnh trao tặng Kỷ niệm chương “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc” và nhiều Bằng khen khác.
Với bề dày truyền thống trong lịch sử đối ngoại, Quảng Nam đã sản sinh rất nhiều người con ưu tú, nổi bật như bà Nguyễn Thị Bình, ông Phạm Phú Thứ hay như đồng chí Võ Chí Công, vv… Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự đóng góp to lớn và quí báu của các bậc tiền bối, những người đã khởi sự xây dựng nền ngoại giao nhân dân Quảng Nam. Trân trọng cảm ơn các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thư ký, Ủy viên Ban Chấp hành, các tổ chức thành viên, cùng tất cả cán bộ nhân viên cơ quan thường trực Liên hiệp đã hết lòng cống hiến tài năng, trí tuệ, công sức cho hoạt động đối ngoại nhân dân của Quảng Nam. Xin chân thành cảm ơn và ghi nhận những tấm lòng bè bạn, các cơ quan ngoại giao, tổ chức phi chính phủ, tình nguyện viên, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã dành cho Liên hiệp sự thiện cảm, giúp đỡ, hỗ trợ, cộng tác nhằm mục tiêu vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác phát triển giữa nhân dân các nước, các dân tộc. Xin chân thành cảm ơn những con người thầm lặng ấy đã hết lòng hết sức góp phần giúp đỡ Liên hiệp và các Hội thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chúng ta trân trọng cám ơn các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy-Ủy ban nhân dân – UBMTTQ tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoại giao nhân dân của Liên hiệp và các tổ chức thành viên. Cảm ơn các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các báo đài đã nhiệt tình cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho Liên hiệp hoàn thành nhiệm vụ trong suốt thời gian qua.